Hiện nay, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp có mong muốn nhập khẩu mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng để kinh doanh, song gặp nhiều khó khăn trong việc xin Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) để làm thủ tục công bố sản phẩm. Nam Việt xin giới thiệu cho Quý khách những quy định của pháp luật hiện hành về Giấy chứng nhận lưu hành tự do để Qúy khách có thể hiểu đúng và đầy đủ về giấy tờ quan trọng này, giúp Qúy khách thuận lợi hơn trong quá trình công bố sản phẩm của mình:
1. Cơ sở pháp lý:
– Quyết định 10/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10 tháng 02 năm 2010 về Quy định giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.
– Nghị định Số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 05 năm 2018 về Quy định chi tiết một số điều của luật quản lý ngoại thương.
2. Tầm quan trọng của CFS
* Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS – Certificate of Free Sale) là gì ?
– Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS – Certificate of Free Sale) là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa ghi trong CFS để chứng nhận rằng sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.
CFS bao gồm cả các giấy chứng nhận mang tính đặc thù hoặc mang đầy đủ nội dung của CFS và các loại giấy chứng nhận có nội dung tương tự.
– CFS được cấp cho sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước để xuất khẩu. Sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước không nhất thiết phải được bán thực tế tại nước sản xuất mà chỉ cần được phép bán, lưu hành tại thị trường này là có thể được cấp CFS.
CFS thường do các cơ quan quản lý nhà nước là các Bộ quản lý chuyên ngành như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cấp. CFS có thể được gọi bằng một số tên khác như CPP, FSC hoặc một số loại tên gọi khác. Tuy nhiên, về cơ bản, các loại chứng nhận này đều nhằm mục đích xác nhận sản phẩm, hàng hoá (ghi trong CFS) được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.
* Tầm quan trọng của CFS:
– CFS được xem là một công cụ để nước nhập khẩu sản phẩm có thể kiểm tra mức độ chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào nước họ, cũng như tăng độ tin cậy, vì khi một sản phẩm có CFS thì tức sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp đánh giá kiểm tra của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu và sản phẩm đó đã được cho phép sản xuất, buôn bán và tiêu dùng tại nước đó. Ngược lại đối với doanh nghiệp xuất khẩu, khi đã xin được giấy chứng nhận CFS, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc lưu hành sản phẩm của mình tại nước bạn, không bị mất nhiều thời gian, cũng như những chi phí không đáng có khác.
– CFS là nhằm mục đích có được bảo đảm chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu rằng sản phẩm đã được sản xuất và được phép lưu hành tự do ở nước đó.
– CFS là chứng nhận bắt buộc phải có để làm hồ sơ xin giấy phép công bố sản phẩm nhập khẩu như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (thực phẩm bảo vệ sức khỏe), thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm…
– Giá trị hiệu lực của CFS sẽ phụ thuộc vào thời hạn trên giấy chứng nhận do cơ quan phát hành CFS đó, trường hợp CFS không nêu thời hạn thì thời hạn sẽ được tính trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp CFS.
3. Một số lưu ý về CFS:
– CFS phải do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nước xuất khẩu cấp.
– CFS được viết bằng tiếng Anh và phải có tối thiểu các thông tin sau:
a) Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS.
b) Số, ngày cấp CFS.
c) Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.
d) Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.
đ) Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.
e) Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và được phép bán tự do tại thị trường của nước sản xuất hoặc nước cấp CFS.
g) Họ tên, chữ ký của người ký CFS và dấu của cơ quan, tổ chức cấp CFS.
– Bản sao của CFS mang dòng chữ “CERTIFIED TRUE COPY” (bản sao chứng thực) của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu được chấp nhận sử dụng như là bản gốc CFS.
– Trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan, CFS do nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo quy định hiện nay về công bố mỹ phẩm và thực phẩm chức năng nhập khẩu… đều yêu cầu CFS phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Hy vọng những thông tin Nam Việt cung cấp trên sẽ có hữu ích cho việc xin Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) để phục vụ cho quá trình công bố sản phẩm của Qúy Khách.
– TT –
CÔNG TY TNHH BHB NAM VIỆT
Dịch vụ công bố thực phẩm, công bố mỹ phẩm uy tín, chất lượng
Hotline: 0961 889 219 / Email: congbosanpham@namvietbhb.com