Giải đáp một số câu hỏi về chất tạo hương cho thực phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng
Nam Việt xin giúp bạn trả lời một số câu hỏi rất được quan tâm, đặc biệt là về quyền và lợi ích của người tiêu dùng khi tiêu dùng các loại sản phẩm trên thị trường.
Bùi Quang Anh hỏi:
Thông tư số 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế không có danh mục chất tạo hương trong thực phẩm, vậy chất tạo hương trong thực phẩm được sử dụng theo quy định nào?
Trả lời:
Thông tư 27/2012/TT-BYT chỉ thay thế các quy định liên quan đến phụ gia thực phẩm được quy định tại Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT ngày 31 tháng 8 năm 2001 (Điều 10– Thông tư 27/2012/TT-BYT). Do đó, việc sử dụng chất tạo hương trong thực phẩm hiện nay vẫn thực hiện theo Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT.
Vương Thị Minh Châu hỏi:
Người tiêu dùng có quyền được yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm cung cấp thông tin về sản phẩm thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh không?
Trả lời:
Có, vì theo điểm a khoản 1 Điều 9 Luật ATTP quy định người tiêu dùng thực phẩm có quyền được cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, lựa chọn, sử dụng thực phẩm phù hợp; được cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm.
Lê Dũng hỏi:
Luật ATTP quy định như thế nào để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng thực phẩm?
Cục An toàn thực phẩm trả lời:
Theo tiết b, c, d, đ khoản 1 Điều 9 Luật ATTP quy định người tiêu dùng có các quyền để bảo vệ lợi ích của mình như sau:
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật;
– Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
– Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.